Chia sẽ:
ĐTO - Sau gần 9 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) trên tinh thần chủ động, quyết liệt, sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp có những bước chuyển tích cực, nổi bật là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
Là tỉnh thuần nông thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2005 - 2015, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh có xu hướng giảm dần, xuất phát từ tình trạng nhiều năm chú trọng tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, manh mún, thiếu tính liên kết, năng suất, chất lượng và giá trị thấp.
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp xác định nhiệm vụ cấp thiết là phải nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp trên cơ sở thực hiện khâu đột phá là TCCNN toàn diện và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Ngày 30-6-2014, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 591/QĐ-UBND.HC “Phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện đề án TCCNN theo định hướng thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
Thực hiện đề án, Đồng Tháp chọn ra 5 ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu sản xuất gồm: lúa gạo, cá tra, xoài, sen và hoa kiểng. Với định hướng chung là: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại nội bộ ngành, cơ cấu lại lao động, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ, quy hoạch đồng bộ với kết cấu hạ tầng hiện đại; gắn sản xuất với tiêu thụ trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng.
Sau hơn 9 năm quyết liệt triển khai thực hiện, chương trình TCCNN của Đồng Tháp đã gặt hái được những kết quả tích cực. Các ngành hàng chủ lực của tỉnh (lúa gạo, xoài, sen, hoa kiểng và cá tra) đã tổ chức lại sản xuất bài bản, từng bước thay đổi phương thức sản xuất theo tư duy “kinh tế nông nghiệp”.
Không chỉ nâng cao ý thức tự lực, hợp tác trong cộng đồng mà TCCNN còn giúp người dân chủ động đổi mới tư duy, cách tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Trong đó, nổi bật là những mô hình thương mại điện tử, cơ giới hoá toàn diện gắn với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc trong sản xuất, như các mô hình: “Hội quán nông dân” “Cây xoài nhà tôi”, “Canh tác lúa thông minh”, “Ruộng nhà mình”, “Du lịch cộng đồng”,... Đặc biệt, mô hình “Hội quán nông dân” đã tạo xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, làm nền tảng để phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác, giúp nông dân chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Đồng Tháp có 217 hợp tác xã, trong đó có 38 hợp tác xã được thành lập từ hội quán.
Nguồn: baodongthap.vn